tìm kiếm
CHUYÊN MỤC
Bài viết mới nhất
Độc đáo tinh dầu chúc
Tinh dầu được sản xuất từ các nguyên liệu, như: sả, chanh, tràm, bạc hà, hoa lài, hoa oải hương… mà chị Châu Hải Yến (90 Nguyễn Trãi, thị trấn Tri Tôn, Tri Tôn) đã nghiên cứu và sản xuất thành công tinh dầu từ trái và lá chúc – một loại cây đặc sản nổi tiếng chỉ có ở vùng Bảy Núi.
Cây chúc có tên khoa học là Citrus hystrix là loại đặc sản ở vùng Bảy Núi, trồng nhiều ở 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên. Trước đây, cây chúc rất quý vì nó chỉ có một số ít ở phum, sóc của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Hiện nay, cây chúc được người dân Bảy Núi trồng trước nhà, vừa để chế biến món ăn, vừa xua đuổi, tránh rắn bò vào nhà, lá chúc được dân gian dùng làm phương thuốc giải cảm, trị chứng nghẹt mũi, khó tiêu… Thông thường, cây chúc từ 5 – 8 năm tuổi mới cho trái, 1 năm/lần vào mùa mưa với số lượng trái rất ít. Tuy cùng họ với chanh nhưng chúc có vỏ xù xì, vị chua dùng để lấy nước, lá chúc tương tự như lá chanh nhưng to và có ngấn, đặc biệt có mùi thơm đặc trưng. Chính vì mùi thơm độc đáo của lá chúc mà nhiều chuyên gia ẩm thực đã tìm tòi và sử dụng nó như một gia vị đặc biệt để chế biến thành nhiều món ăn ngon miệng, hấp dẫn như: cháo bò vắt nước trái chúc, gà hấp lá chúc, bò nướng lá chúc, cá lóc hấp lá chúc… Ngoài ra, những phụ nữ ở vùng Bảy Núi dùng trái chúc để gội đầu. Ngoài tác dụng làm tóc mượt mà óng ả, hương thơm dịu nhẹ của chúc tỏa ra từ mái tóc sẽ khiến ta cảm thấy sảng khoái và dễ ngủ.
Nhận thấy công dụng của cây chúc cũng như nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, chị Yến nghĩ đến việc chiết xuất tinh dầu từ lá và trái chúc. Với kiến thức có sẵn của giáo viên dạy môn Hóa học Trường THPT Nguyễn Trung Trực (Tri Tôn), chị Yến đã tìm hiểu, học hỏi và nghiên cứu. Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại dần rút được kinh nghiệm trong mỗi công đoạn. Cuối năm 2015, chị Yến chiết xuất thành công tinh dầu từ lá và trái chúc. Ngay từ đầu chị Yến đã xác định, không chạy theo số lượng, chú trọng sản xuất ra tinh dầu chúc đảm bảo nguyên chất để tạo dựng uy tín đối với người sử dụng. Sau đó, chị Yến đã gửi sản phẩm tinh dầu chúc cho Viện Pasteur và Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP. Hồ Chí Minh phân tích thành phần trong tinh dầu hoàn toàn an toàn cho người sử dụng và không có tạp chất. “Ban đầu, bản thân và người nhà sử dụng thử, sau khi hoàn thiện chất lượng tinh dầu hơn mới giới thiệu cho bạn bè, dần dần tinh dầu chúc đã thu hút và chinh phục được niềm tin của nhiều người” – chị Yến chia sẻ.
Chị Châu Hải Yến giới thiệu tinh dầu chúc
Theo chị Yến, mùa chúc rộ trong năm số lượng trái nhiều và vỏ bóng dày, tinh dầu nhiều là thời điểm sản xuất tinh dầu tốt nhất. Bình quân 1kg trái chúc thu được 300 – 400gr vỏ, chiết xuất được 12ml tinh dầu. Hiện, chai tinh dầu loại 5ml bán với giá 100.000 đồng, ngoài bán lẻ trực tiếp cho các khách hàng trong tỉnh, chị Yến còn bán cho khách hàng ở xa như: TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác. Sản phẩm tinh dầu chúc Yến Hương của chị Châu Hải Yến đã đoạt giải nhì Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” tỉnh An Giang lần I-2017 và được UBND tỉnh trao chứng nhận “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh” năm 2018.
“Sắp tới, tôi dự định sẽ đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất tinh dầu từ lá và trái chúc. Xa hơn, tôi muốn nghiên cứu làm nước hoa xịt phòng, làm kem bôi da diệt khuẩn… nhằm nâng cao giá trị sử dụng của cây chúc, giống cây đặc sản ở quê hương Bảy Núi” – chị Yến chia sẻ.
Tinh dầu chúc được sử dụng trong nội thất nhà ở, xe hơi hoặc có tác dụng chăm sóc sức khỏe và làm đẹp như: diệt khuẩn không khí, kháng viêm, kháng khuẩn, giảm đầy hơi, khử mùi, trị đau đầu, giúp ngủ ngon, xua đuổi muỗi, làm gia vị kích thích vị giác và khứu giác, tạo cảm giác ngon miệng, dễ tiêu hóa, thoải mái tinh thần, giảm căng thẳng… Ngoài ra, những người có tóc bị khô, xơ, gàu, rụng, nấm tóc có thể sử dụng một ít tinh dầu massage nhẹ nhàng chân tóc sau khi gội đầu, giúp tóc bóng mượt, chắc, khỏe, giảm gãy rụng. |